Đăng nhập để xem nội dung liên quan

Đăng nhập

Mợ Ba

Chương 20

Chương trước
Chương sau
Quan huyện cũng không ngần ngại mà giải đáp những vướng mắc tại hiện trường. Quan dùng một chân đá vào bên ngoài thành giếng, một vài mảnh đá vụn bắt đầu rớt ra, rơi lên mũi chân của ngài: “Ông thấy không? Cái giếng này được xây bằng đá cuội, một loại đá có kết cấu rất chắc chắn nhưng chỉ giữ được như vậy khi có đủ nước, đủ nắng vì bản chất của loại đá này được hình thành từ dòng chảy của nước. Giếng cạn lâu ngày, thiếu nước sẽ dần làm giảm kết cấu bên trong của đá cuội và ba năm là khoảng thời gian đủ để kết cấu đó trở nên kém nhất, nên chúng mới dễ dàng rơi thành mảnh vụn như ông thấy đây.”

Thầy lang như được thông suốt và cũng học hỏi thêm một điều mới từ quan nên tấm tắc khen ngợi: “Quan quả là có sự quan sát tinh tường hơn người, hơn người.”

Cậu vẫn chưa được phép tiến lại gần nhưng vẫn nghe được những gì quan nói, vẫn bị quan thuyết phục bởi lời lẽ chặt chẽ như bao người. Trong thâm tâm cậu cũng thầm tin tưởng: “Quả đúng là quan huyện đại tài! Có quan thì sớm thôi vụ này cũng được tỏ tường.”

Sau lời ngợi ca của thầy lang, quan cũng khách sáo tiếp lời: “Dù sao thì nói về khả năng nhìn nhận tử thi của ta vẫn thua ông nhiều phần là khác.”

Thầy lang khom người thêm đôi chút, nhận lời khen của quan: “Lão cũng chỉ là một thầy thuốc tầm thường còn có tuổi, may mắn được học về tử thi, càng may mắn hơn khi được sử dụng nó để giúp đỡ quan tìm ra chân lý thì mới là vinh hạnh của lão ạ.”

Không nói quá thật, về khả năng nhìn nhận tử thi thì khó ai qua được thầy lang đây. Nhiều dấu vết đắt giá đã được ông tìm thấy ngay trên tử thi của nạn nhân, rồi đến với bộ óc của quan huyện, những dấu vết này trở thành mối lần ra dấu kẻ giết người. Không ai ngờ tới tử thi vốn chỉ là cái xác chết đen đủi lại chính là nơi ghi tên kẻ sát nhân thật sự. Người ta còn phong rằng quan huyện và thầy lang là những người cho người chết một lần nữa được lên tiếng để chỉ ra kẻ đã giết hại họ, bắt hắn chịu tội và cho họ cơ hội siêu thoát.

Giờ cậu đứng đây, không biết phải gọi là may mắn hay xui rủi mà được tận mắt chứng kiến thầy lang làm việc với tử thi. Lão cũng thật sự có tuổi rồi, xương khớp vốn phục vụ cho việc đi đứng cũng trở nên khó khăn nên chỉ đơn giản là ngồi xuống gần cái xác để bắt đầu xem xét cũng khiến lão phải mất một lúc. Lão lấy từ trong túi áo ra một cặp kính lão, nắm phần vạt áo để lau chùi cái kính rồi mang nó lên mắt. Lão đưa bàn tay run rẩy do tuổi già vén cái chiếu đang đắp trên xác của mợ tư lên, kéo mép chiếu từ nơi phần đầu cái xác đến ngang bụng. Rồi thầy lang chầm chậm vén mái tóc ướt sũng che khuôn mặt của mợ tư sang hai bên cho gọn bớt, phần cũng để tiện nhìn rõ những gì trên khuôn mặt của mợ.

Từ mắt, mũi, miệng đến từng đường chân mày, từng vết nhăn trên mặt của mợ tư đều được thầy lang xem xét kỹ lưỡng. Mọi điều lão nhận thấy đều được ghi lại không vào đâu khác mà chính là trong trí nhớ của lão vì rõ ràng không thấy lão mang theo bất cứ vật dụng gì hỗ trợ việc ghi chép. Tuy đã có tuổi, sức lực cũng mất nhiều phần nhưng may mắn hơn người thì lão vẫn còn giữ được trí nhớ rất tốt. Lão tiếp tục xem xét đến phần cổ của mợ tư, tay vẫn cứ run run, mắt vẫn cứ chăm chú và miệng thì vẫn cứ im thin thít không nói gì trong suốt quá trình. Có lẽ là chưa có chi tiết nào để thầy lang cần thảo luận với quan ngay lập tức, hoặc do cách thức làm việc của thầy lang vốn là im lặng vậy.

Nhưng đáp lại sự im lặng của thầy lang là sự tò mò muốn được biết của quan, ngài ấy liền đến sát bên tử thi để xem xét. Chỉ mới đưa tay mở mắt của mợ tư lên, quan đã liền có thắc mắc, ngài chỉ tay vào tròng mắt của mợ tư và bảo: “Ông nhìn xem, có phải trong mắt của tử thi này… phần tròng trắng không có thứ đáng lẽ nên có.”

Thầy lang liền hiểu rõ thắc mắc của quan: “Dạ bẩm, đúng như quan thấy, nhưng để giải thích được điều đó thì quan hãy nhìn xuống dưới cổ của nạn nhân ạ.”

Nói rồi thầy lang liền đưa tay chỉ xuống phần cổ: “Quan xem ở đây, một vết bầm tím chiếm gần cả phần cổ của tử thi.”

Lão tiếp túc đưa một tay đỡ cằm mợ tư lên, tay còn lại chỉ vào phía dưới vòm họng của mợ tư: “ Còn ở đây, dấu của một vết siết khác. Tuy nhiên vết này dường như không phải do các loại dây tạo ra vì lão không tìm thấy các đường đặc trưng, nên có thể vết này được tạo ra do một thứ mô phỏng dạng dây.”

“Về điểm mà quan đang thắc mắc, tử thi này chết trong tư thế treo cổ thì đúng lí trong tròng trắng mắt của tử thi sẽ xuất hiện các đường máu, đóm máu, thường gọi là xuất huyết giác mạc. Nhưng trong mắt của tử thi này thì hoàn toàn không.” Quan trầm ngâm hỏi: “Vậy lão giải thích điều quái lạ này thế nào?”
Chương trước
Chương sau