Đăng nhập để xem nội dung liên quan

Đăng nhập

Kim Vân Kiều Truyện

Chương 12: Chùa đâu trông thấy nẻo xa

Chương trước
Chương sau
Chùa đâu trông thấy nẻo xa
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co, Kiều quyết định dắt theo một ít những đồ thờ tự làm bằng vàng và bằng bạc trong chùa để làm của hộ thân. Nàng đợi đúng vào lúc nửa đêm, khi trống canh ba vừa điểm thì leo tường trốn ra. Dưới ánh trăng tà, Kiều tìm đường đi về hướng Tây. Vượt qua nhiều đồi cây và những dặm đường cát, Kiều lần đi trong tiếng gà điểm nguyệt và để lại dấu chân trên những chiếc cầu đẫm sương. Đêm thì khuya, đường thì dài mà một mình thân gái, Kiều vừa sợ hãi về những bất trắc có thể xảy ra trong bước đường tỵ nạn, vừa cảm thương cho thân phận dãi dầu của mình. Từ phương Đông ánh mai vừa xuất hiện đủ để soi rõ được khu rừng dâu. Kiều vẫn còn bơ vơ chưa biết là mình sẽ đi tới đâu. Bỗng nàng thấy từ xa thấp thoáng hình bóng một ngôi chùa. Tới gần, Kiều đọc được ba chữ Chiêu Ẩn Am dưới mái tam quan rất rõ. Nàng gõ cửa. Một ni sư đi ra và mở cửa cho Kiều vào. Đây là ni sư Giác Duyên, vị sư trưởng của chùa. Thấy Kiều dưới y phục nâu sồng, ni sư vốn là một người rất lành, bất giác đem lòng thương hại. Ni sư hỏi thăm Kiều là ai và từ đâu tới. Trong buổi mới lạ lùng, Kiều phải tìm lời nói quanh:
- Bạch ni sư, con quê ở Bắc Kinh, đi xuất gia tu hành đã lâu. Con đi với thầy con. Thầy con có chút việc phải ghé đâu đó, dạy con đến đây trước rồi thầy sẽ đến sau. Thầy con có dặn đem các pháp bảo này theo để cúng dường ni sư.
Rồi Kiều lấy ra chuông vàng khánh bạc và đem trình lên. Nhìn qua, ni sư nói:
- Nếu thầy của cô là ni sư Hằng Thủy thì đó là bạn rất thân của tôi. Cô nên ở lại đây ít ngày để đợi thầy của cô đến, rồi hãy cùng đi tiếp cuộc du hành. Đừng nên đi sớm một mình mà nguy hiểm.
Có chốn am mây để gởi thân, Kiều cảm thấy rất may mắn. Nàng được sống những ngày tháng thong dong trong nếp sống dưa muối đạm bạc của nhà chùa. Trước đây Kiều đã có dịp học thuộc được một ít kinh kệ. Việc hương đèn thì Kiều cũng đã từng làm quen tay. Thành ra trong nếp sống xuất gia này không có gì là khó khăn với nàng cả. Mỗi sớm mỗi khuya Kiều tham dự vào những buổi tụng niệm và sử dụng chuông mõ. Tối đến thì nàng đốt đèn. Sáng dậy thì nàng thỉnh chuông đại hồng. Thấy Kiều là một sư cô thông tuệ, ni sư Giác Duyên càng lúc càng nể và càng thương. Kiều cũng cảm thấy chỗ đứng của mình ở đây càng ngày càng vững chãi. Tình đạo bạn giữa chị em nảy nª.
(Tóm lược)
Nhưng Kiều chỉ ở được am Chiêu Ẩn tới mùa thu thì bị tiết lộ, vì có người nhận ra được chuông vàng khánh ngọc của Quan Âm Các. Ni sư Giác Duyên khuyên Kiều sang ở ẩn tạm bên nhà một người bổn đạo tên là Bạc Bà. Ai dè Bạc Bà cũng là một thứ Tú Bà. Bà ta dọa dẫm nếu Kiều không lấy cháu trai của bà là Bạc Hạnh và đi lập nghiệp nơi xa thì sớm muộn gì cũng bị Hoạn Thư sai người tới bắt. Bạc Hạnh cũng là một loại Mã Giám Sinh. Lễ cưới vừa xong thì Bạc chở Kiều đi Châu Thai và bán Kiều cho một trung tâm lầu xanh ở đây. Kiều lại rơi vào vũng bùn một lần nữa. Tiếc thay, nước đã đánh phèn, mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.
Một thời gian sau đó, may mắn Kiều được gặp Từ Minh Sơn, một chàng hiệp sĩ, một người làm cách mạng. Gặp nhau lần đầu hai người đã ưng ý nhau. Từ Hải bỏ tiền chuộc Kiều ra ở riêng. Nửa năm sau, Từ Hải lên đường lập nghiệp. Kiều xin đi theo, Từ không cho, nói rằng một năm nữa khi làm nên sự nghiệp, Từ sẽ cho quân đội tướng tá và cung nga về đón Kiều. Từ Hải dấy binh chiếm một phần lãnh thổ của nước Minh, hùng cứ một vùng đất ven biển. Thành công rồi, Từ cho quân lính đi rước Kiều. Kiều lên ngôi phu nhân ngồi bên Từ Hải. Nghe Kiều kể những chuyện oan ức ở Lâm Tri và Vô Tích, Từ nổi giận cho hai đạo binh đi bắt hết cả những kẻ đã làm khổ Kiều, và cũng để mời luôn những người ơn của Kiều như bà quản gia, ni sư Giác Duyên và chàng Thúc Sinh về để Kiều được tạ ơn. Cuộc hành quân này thành công. Kiều đã báo ơn và trả thù bằng những phương tiện quyền lực của Từ Hải. Kiều muốn mời ni sư Giác Duyên ở lại chơi lâu hơn, nhưng ni sư không muốn. Và khi ni sư nói lời từ giã, ni sư bảo là theo lời tiên đoán của đạo cô Tam Hợp, năm năm nữa thì hai chị em sẽ lại được gặp nhau.
Từ Hải tiếp tục hành quân chiếm cứ thêm năm huyện thành nữa ở Phúc Kiến và Triết Giang, uy thế lừng lẫy. Quan tổng đốc Hồ Tôn Hiến được lệnh vua ra đối phó. Hồ đề nghị giải pháp phong quyền tước cho Từ Hải nếu Từ Hải chịu quy phục triều đình. Từ Hải không muốn bó thân về với triều đình, nhưng sau khi nghe Kiều phân giải, đã bằng lòng quy phục. Kiều rất mong được có dịp về đoàn tụ với gia đình cho nên đã khuyên Từ Hải như thế. Nhưng Hồ Tôn Hiến đã sử dụng phương pháp quân sự thay vì chính trị. Từ bị lừa, tử trận trong cuộc đánh úp. Kiều bị Hồ ép dâng rượu và đánh đàn trong đêm mừng chiến thắng của quan quân nhà nước. Đêm ấy Hồ Tôn Hiến vì say rượu cho nên đã say luôn nhan sắc của Kiều. Sáng hôm sau thức dậy, sợ mất uy tín triều đình, Hồ quyết định gả gấp Kiều cho một viên tù trưởng địa phương. Vị thổ quan rước Kiều xuống thuyền.
Đầu hôm ngồi trong thuyền, Kiều nghe tiếng thủy triều lên ầm ầm. Hỏi ra Kiều biết thuyền đang đi trên sông Tiền Đường. Nhớ lời của Đạm Tiên nói trong giấc mộng, Kiều tin chắc đây là lúc mình phải chết. Kiều để lại một bài thơ tuyệt mệnh, rồi vén màn thuyền nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử.
Chương trước
Chương sau