Đăng nhập để xem nội dung liên quan

Đăng nhập

Kim Vân Kiều Truyện

Chương 6: Sầu chia phôi

Chương trước
Chương sau
Sầu chia phôi
Chiếc then hoa vừa rút để cánh cổng gỗ mở ra thì tên gia đồng nhà Kim Trọng xuất hiện. Nó đem thư nhà gởi chàng. Thư báo tin là ông chú ruột của Kim vừa mới từ trần, thi hài còn quàng tại chốn tha phương. Ông chú ruột không có con trai. Từ Liêu Dương cách trở bao nhiêu núi sông, thân phụ của Kim Trọng gọi chàng về gấp để cử hành tang lễ.
Nghe tin dữ ấy, Kim hoảng hốt. Chàng băng mình tới tận chốn đài trang của người yêu và kể hết cho nàng nghe mọi cớ sự. Chàng than thở về sự rủi ro của gia đình và về sự việc chàng phải từ giã nàng và một mình phải lên đường đi xa ngàn dặm. Kim nói:
- Anh buồn quá. Sự việc xảy ra trong khi chúng ta chưa có dịp nói hết với nhau những lời tâm tình và những lời đổi trao về duyên kiếp. Nhưng em ơi, mảnh trăng thề đêm qua vẫn còn đó, và dù xa nhau ngàn vạn dặm anh cũng sẽ không bao giờ không nghĩ tới em. Cách nhau đến ba mùa Đông, mối sầu nhớ này làm sao anh gỡ ra khỏi được? Xin em hãy hứa với anh là sẽ hết sức gìn vàng giữ ngọc để cho ở chốn chân mây cuối trời anh được an lòng.
Nghe Kim nói, Kiều cảm thấy ruột gan rối bời. Nàng chẳng nói gì được. Sau đó một hồi lâu nàng mới tìm lời nói ra những điều nàng cảm thấy trong lòng:
- Em không hiểu tại sao ông Tơ và bà Nguyệt lại đối xử với chúng mình một cách không dễ thương như thế. Chúng ta chưa kịp vui được với cái vui xum họp thì đã phải buồn với cái buồn của sự chia phôi rồi. Mình đã nặng lời thề ước với nhau, thì dù tóc trên đầu em có bạc, tấm lòng của em cũng không bao giờ dám đổi dời. Xin anh hãy có đức tin nơi em. Chờ đợi bao nhiêu năm tháng em cũng có đủ sức để đợi chờ; em chỉ đau sót nghĩ đến những lúc anh phải lận đận một mình trên con đường mưa gió. Đã cam kết một lòng một dạ với anh, em xin thề với anh là em sẽ không còn yêu ai khác. Anh ơi, chúng ta đang còn trẻ, chúng ta đang còn tháng rộng năm dài và quê hương bao la trước mặt. Em mong rằng trên con đường quan san ngàn dặm anh sẽ chẳng bao giờ quên em; chẳng bao giờ quên những giây phút gặp gỡ của chúng ta trong suốt một ngày vừa qua.
Họ dùng dằng, chưa nỡ chia tay. Nhưng mặt trời đã lên tới nóc nhà, Kim không thể chần chừ được mãi. Chàng nói lời từ biệt và nước mắt chan hòa. Mỗi bước chân của chàng là một bước làm cho khoảng không gian chia cách giữa hai người thêm lớn. Tên tiểu đồng đã vội vã giúp chàng thắng yên cương. Rồi nó quảy lên vai hành lý đã xắp sẵn. Kim và Kiều nhìn nhau. Họ chia xẻ cùng một nỗi buồn trầm trọng.
Chuyến đi thật xa. Nhìn phong cảnh quê người, Kim Trọng nhận thấy ở bên trời bóng chim nhạn đã thưa, và đầu cành liễu tiếng chim quyên dã bắt đầu dồn dập. Xuân đã đi qua, hè đã tới. Niềm thương nhớ trong lòng càng ngày càng nặng đối với người lữ hành phải trải qua bao cảnh ăn gió nằm sương. Gánh nặng của đường xa cũng là gánh nặng của nỗi niềm thương nhớ.
Đất bằng dậy sóng
Thúy Kiều còn đứng dựa vào hiên nhà phía Tây, lòng nàng còn rối bời như một cuộn tơ, và nỗi sầu thương làm cho cả chín khúc ruột nàng thắt lại. Nhìn về phía cửa sổ nhà Kim, nàng cảm thấy tất cả sự vắng vẻ, cảnh tượng như chìm trong sương khói nhớ thương: bông hoa không còn tươi thắm, còn cành liễu cũng đã xơ xác màu vàng. Kiều vừa định đi về phòng nàng thì phái đoàn đi chúc thọ bên ngoại cũng vừa về tới. Mọi người chưa kịp hàn huyên kể chuyện về chuyến đi thì bỗng đâu bốn bề cảnh sát công an ập tới, người cầm đao, kẻ cầm gậy, toàn là thứ đầu trâu mặt ngựa, xôn xao như một bầy ruồi xanh tìm tới những miếng mồi tham nhũng. Họ lấy gông gông cổ hai người đàn ông của gia đình là ông Vương và chàng Vương Quan lại. Họ lục soát, vơ vét lấy tất cả những gì có giá trị như nữ trang, vàng bạc và những thứ riêng tư của mỗi người trong gia đình để nhét vào túi tham của họ. Họ sục sạo tìm bới trong mọi ngõ ngách. Khung cửi dệt lụa họ cũng làm cho rơi rụng, các hộp đựng đồ may vá họ cũng làm cho tan tành.
Ai đã giăng bẫy? Ai đã vu cáo? Ai đã bày mưu để xảy ra cớ sự này? Hỏi ra mọi người mới biết đây là do lời khai của một gã bán tơ, mà thân sinh Kiều đã từng cho ngồi uống rượu chung, đã tưởng rằng đó là một kẻ lương thiện. Ai ngờ nó thuộc về một đảng ăn cướp, và khi bị bắt, nó đã khai bừa cho gia đình Kiều. Sai nha bây giờ lấy cớ đi bắt cướp để vào nhà Kiều ăn cướp.
Tình trạng xảy ra khiến cả nhà ngẩn ngơ, hoảng hốt. Nỗi oan như làm cho mặt đất cũng phải trồi dậy, bản án kết tội sai lầm như làm cho bầu trời mờ mịt mây đen. Gia đình ông Vương kêu ca, khóc lóc, van lạy suốt ngày, nói là mình vô tội, nhưng tai người ta vẫn làm như tai điếc, và bàn tay người ta vẫn tiếp tục phũ phàng đập xuống. Họ trói ông Vương và chàng Quan lại, lấy giây thừng treo ngược hai người lên sàn nhà. Nhìn thấy cảnh ấy dù đá cũng phải mềm, huống hồ mình chỉ là người. Trông thấy cảnh ấy mấy mẹ con đều cảm thấy rụng rời, đau đớn. Nỗi oan này chỉ có thể kêu được với trời, nhưng trời xa quá làm sao kêu thấu? Ai còn lạ gì cái thói tham nhũng của bọn sai nha? Chỉ vì tiền mà họ đành nhẫn tâm gây ra bao nhiêu điều khốc hại thảm thương như thế.
*
* *
Làm sao để chu toàn được sinh mạng của những người thương? Làm sao cho tình cốt nhục được toàn vẹn? Gặp cơ nguy biến, mình phải biết uyển chuyển hành động để cứu nguy, đó là theo nguyên tắc 'ngộ biến tùng quyền.' Thúy Kiều suy nghĩ hết nước. Một bên là duyên hội ngộ, một bên là đức cù lao, một bên là tình, một bên là hiếu, bên nào nặng hơn, nàng phải xử sự làm sao cho phải? Đã đành là mình đã thề non hẹn biển với chàng, nhưng mà phận làm con, mình phải đền đáp ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ trước hết. Quyết định được điều đó trong lòng rồi, nàng đem ra nói ý định của nàng cho mọi người nghe:
- Xin mọi người đừng than khóc bàn cãi nữa. Hãy nghe con nói đây, con đã quyết định bán mình để lấy tiền chuộc cho cha con để cho cha con khỏi phải đi vào chốn tù tội.
Trong số những người láng giềng tới thăm viếng và chia buồn với gia đình họ Vương có một người tên Chung đang làm nhân viên thư ký trong quận. Ông Chung là kẻ biết thương người. Thấy Thúy Kiều có hiếu có tình thâm trọng như thế, ông cũng động lòng muốn đứng ra để sắp xếp. Tính đi tính lại trong đầu, là muốn bảo lãnh cho thân phụ Kiều khỏi đi vào vòng tù tội, thì ít ra cũng phải có ba trăm lạng vàng để lo lót đó đây mới có thể thành công. Ông ta liền chạy chọt năn nỉ để thân phụ và em trai của Kiều được phép giam tạm ở nhà công sai vài ba hôm để Kiều có thì giờ lo liệu, chứ nếu một khi đã được đưa vào chốn cửa quan thì sẽ không còn có hy vọng chạy chữa.
Thật tội nghiệp cho Kiều, tuổi còn thơ ngây mà đã phải gánh chịu những tai nạn tày trời, những cơn rủi ro như tai bay vạ gió. Nàng nghĩ: Tử biệt sinh ly là chuyện bi thảm nhất; chính hình hài mình đây mà mình còn phải hy sinh đi để cứu cha, huống hồ là một mối tình? Thân phận mình, nàng nghĩ, chỉ là thân phận hèn mạt của gió hắt mưa sa. Mình sẽ đem tất cả cuộc đời mình để đền đáp lại công cha sinh mẹ dưỡng, như một tấc cỏ hiến mình cho cả mùa xuân
Chương trước
Chương sau